Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập |
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2024 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 Mục tiêu tổng quát: Phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể: - Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập, thực hiện giảm đầu mối hợp lý song song với hình thành tổ chức KH&CN mới phù hợp với xu thế phát triển KH&CN của thế giới và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến năm 2025, phấn đấu giảm 10% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập so với thời kỳ 2016 - 2020. Đến năm 2030, bảo đảm giảm 20% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập so với thời kỳ 2016 - 2020. - Nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN theo hướng tiếp cận với chuẩn quốc tế. Năm 2025, có khoảng 25 - 30 tổ chức KH&CN công lập được xếp hạng khu vực và thế giới. Đến năm 2030, có khoảng 40 - 50 tổ chức KH&CN công lập được xếp hạng khu vực và thế giới. - Hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Năm 2025, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 03 vùng Bắc, Trung, Nam; phấn đấu 40% địa phương hình thành tổ chức KH&CN công lập có chức năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Đến năm 2030, 100% địa phương hình thành tổ chức KH&CN công lập có chức năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. - Nghiên cứu thành lập trung tâm tích hợp KH&CN hiện đại, đạt trình độ tiên tiến, trước mắt thành lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước mở rộng đến các vùng kinh tế - xã hội trọng điểm. - Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn dân. Tầm nhìn đến năm 2050: Mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của đất nước; một số tổ chức KH&CN công lập bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, lĩnh vực KH&CN. Cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN Cơ cấu mạng lưới tổ chức KH&CN gồm: - Hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở trung ương (gồm các tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đại học quốc gia); - Hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở địa phương (gồm các tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); - Hệ thống các tổ chức KH&CN công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công (gồm các tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn). Tinh gọn đầu mối các tổ chức KH&CN nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN thuộc các bộ, ngành Cụ thể, đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở trung ương, sẽ tiến hành rà soát, tinh gọn đầu mối các tổ chức KH&CN nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN thuộc các bộ, ngành, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với định hướng ưu tiên về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo của quốc gia, ngành. Đẩy mạnh phát triển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, then chốt để triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới; tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hóa, điện tử y sinh, cơ khí chế tạo, năng lượng, môi trường. Nghiên cứu thành lập trung tâm tích hợp KH&CN hiện đại, đạt trình độ tiên tiến, trước mắt thành lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tiếp tục duy trì mỗi bộ, ngành có 01 tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược và chính sách trong lĩnh vực phụ trách... Tăng cường liên kết các tổ chức KH&CN công lập với các doanh nghiệp KH&CN, các đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và ngoài nước có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực KH&CN để thúc đẩy kết nối, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Duy trì mỗi tỉnh có ít nhất 01 tổ chức dịch vụ KH&CN cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước Đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở địa phương: Tiếp tục duy trì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 tổ chức dịch vụ KH&CN cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin và thống kê KH&CN, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhiệm vụ sự nghiệp trong lĩnh vực KH&CN được giao trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương... Thúc đẩy hình thành và đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN công lập hoạt động ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với lợi thế và ưu tiên phát triển của từng vùng kinh tế - xã hội. Phát triển các tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu Đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công, theo quy hoạch sẽ tiếp tục duy trì các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển các tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các công nghệ dẫn dắt, tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Giải pháp Giải pháp về cơ chế, chính sách: Hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách từng bước chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết nghiên cứu với đào tạo; chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hoá về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung ưu tiên nhân lực KH&CN chất lượng cao; Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách cho phép nhà khoa học trong tổ chức KH&CN công lập được làm việc và tham gia góp vốn, thành lập, điều hành doanh nghiệp KH&CN hoặc doanh nghiệp do tổ chức KH&CN công lập nắm quyền chi phối. Giải pháp về phát triển nhân lực KH&CN: Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ KH&CN theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Khuyến khích cán bộ hoạt động KH&CN nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình học bổng liên kết giữa các tổ chức hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN trong việc sử dụng, trọng dụng nhân lực KH&CN; Đẩy mạnh thu hút chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia người nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại các tổ chức KH&CN công lập; Tăng cường xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ triển khai công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất: Phân bổ quỹ đất phù hợp cho phát triển các tổ chức KH&CN công lập với ưu đãi về thuế, giải phóng mặt bằng, bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp tổ chức bộ phận hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhất là trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất tập trung; Nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của tổ chức KH&CN công lập trên cơ sở chia sẻ tài nguyên. Bố trí kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nhằm duy trì, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của tổ chức KH&CN công lập; Ưu tiên đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này. Giải pháp về KH&CN: Đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN và các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, điều hành hoạt động các tổ chức KH&CN công lập; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực KH&CN và đổi mới sáng tạo, kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương; Các giải pháp khác gồm: liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục, tuyên truyền; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch. Theo most.gov.vn Newer news items:
Older news items:
|